Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại và cần có những bước phát triển đột phá về công nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một đất nước đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh, hiệu quả, tự chủ phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu có chất lượng. Chính vì vậy, KH&CN cần tập trung nghiên cứu phát triển các loại vật liệu trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên nước ta sẵn có; phát triển vật liệu phục vụ những ngành lợi thế của đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng của ngành công nghiệp vật liệu ở nước ta hiện nay; vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta; những định hướng lớn trong nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta đến năm 2030, tầm nhìn 2045; hợp tác quốc tế trong việc phát triển công nghiệp vật liệu; chia sẻ các mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay của địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển công nghiệp vật liệu; các quan điểm chính sách lớn về cơ chế, chính sách thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển ngành công nghiệp vật liệu...